Chưa thành người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, tuổi teen luôn khiến bố mẹ, người thân lo lắng bởi những biến đổi, suy nghĩ thất thường trong suy nghĩ, tình cảm. Một trong những “căn bệnh” đang làm người lớn đau đầu là sự ngộ nhận của tuổi mới lớn về chính bản thân mình.
Đến trung tâm tư vấn tâm lý, với hy vọng sẽ được hướng dẫn cách “trị” cô con gái ngang bướng, chị Chi mới ngộ ra rằng chính mình là người có lỗi. Quá kỳ vọng vào hình ảnh một đứa con hoàn hảo khiến chị không bao giờ hài lòng với những gì con gái làm được. Rất hiếm khi khen con, nhưng khi con mắc lỗi chị lại không tiếc lời mắng nhiếc, xỉ vả, nào là “đồ vô dụng”, “ăn hại”… Thậm chí chị thường xuyên mắng con theo kiểu “vô tích sự như mày thì chỉ có nước đi ăn mày”, “Cái ngữ ngu dốt như mày thì đi hốt rác người ta cũng không thèm nhận”… Lời lẽ xỉ vả của mẹ không chỉ khiến Hồng Anh tổn thương mà còn mất dần niềm tin vào chính bản thân và nghĩ rằng mình là loại người vô dụng đúng như mẹ nói.
“Thay vì than van “sao con chẳng giống cha mẹ” hoặc trách phạt con, cha mẹ cần thẳng thắn nhìn nhận mình là người có lỗi lớn nhất khi con mắc chứng ngộ nhận”, bà Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hồn Việt bày tỏ quan điểm của mình.
Sau lần bẽ mặt với bạn bè, anh chị Phước mới thấm thía tác hại của việc lúc nào cũng đưa con lên tận trời xanh của mình. Chị thú nhận: “Có lẽ vì cháu khá xinh xắn và học giỏi nên vợ chồng tôi chủ quan. Đôi lúc vì thương con nên tôi cũng quá lời, thậm chí dùng lời lẽ hơi trừu tượng để khen con, chẳng hạn như “con thật là tuyệt vời”, “con mẹ là giỏi nhất, không ai bằng”. Tưởng là chỉ nói cho vui, lời nói vô thưởng vô phạt, ai dè cháu tin đó là sự thật. Chỉ có một con nên chúng tôi cũng không tiếc những phần thưởng về vật chất khi con có thành tích. Sai lầm của chúng tôi là cháu luôn được thưởng quá nhiều thứ có giá trị, trong khi thành tích của cháu không có gì là lớn lao. Mỗi khi cháu phạm lỗi, ba mẹ dễ dàng bỏ qua. Dần dần cháu ngộ nhận mình là ngừơi giỏi giang, không có khuyết điểm”
Kinh tế phát triển, nhu cầu về vật chất đang được nhiều gia đình đặt lên hàng đầu. Cha mẹ mải kiếm tiền, không còn nhiều thời gian chăm sóc giáo dục con cái. Một số phụ huynh quan niệm: Con cái đã được hưởng quá nhiều điều kiện tối ưu về vật chất mà thế hệ cha mẹ có nằm mơ cũng không thấy, vì thế bổn phận của con cái là phải học giỏi, phải ngoan ngoãn, phải hoàn hảo như bố mẹ mong muốn. Kỳ vọng quá cao khiến họ không bao giờ hài lòng với nỗ lực của con và sẵn sàng xỉ vả, nhục mạ khi trẻ không được như mong muốn. Theo các chuyên viên tư vấn, ngay cả những bố mẹ thuộc thành phần trí thức, thậm chí có ông bố học vị tiến sĩ cũng mắc sai lầm khi giáo dục con. Họ tâm sự: “Biết xỉ vả con là sai nhưng khi nóng, tôi không kiềm chế được bản thân và lời nói của mình”.
Ngày nay, xã hội đang lên cơn sốt với việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ mà thiếu hẳn việc giáo dục cho trẻ những giá trị đạo đức, những bài học làm người. Nhiều cha mẹ quan niệm chỉ cần có tiền cho con tham gia những hoạt động vui chơi, hoà nhập với thế giới xung quanh, tham gia những khoá huấn luyện kỹ năng… là cách giúp con trưởng thành.
Trong một xã hội, khi cái tôi của mỗi người đang được đề cao, những lỗ hổng về đạo đức, giá trị sống lại càng dễ khiến trẻ bị lệch lạc. Bà Nguyễn Thị Tâm và bà Trish Summerfield (Giám đốc Trung tâm Giá trị sống Việt Nam) đều có chung quan điểm: “Trang bị kỹ năng sống cho trẻ nhưng thiếu giáo dục giá trị đạo đức đôi lúc dễ khiến trẻ trở nên kiêu ngạo, lúc nào cũng cho rằng mình là người biết nhiều thứ, có khả năng ở nhiều lãnh vực… và coi thường mọi người xung quanh”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn