Thú rừng cạn kiệt vì nhu cầu của con người

Thứ bảy - 11/08/2012 13:40

Thú rừng cạn kiệt vì nhu cầu của con người

Săn bắt thú rừng trở thành nguồn kiếm sống của nhiều người dân miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế dù họ biết làm như vậy là phạm pháp.
Thú rừng cạn kiệt vì nhu cầu của con người thumbnail
Mổ thịt một con nai cung cấp cho các quán nhậu

Săn bắt thú rừng trở thành nguồn kiếm sống của nhiều người dân miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế dù họ biết làm như vậy là phạm pháp.

Ông Hồ, một người Pa Cô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cùng năm thợ săn khác thường xuyên đi săn bắt thú rừng ở vùng rừng núi giáp biên giới Lào.

“Mỗi chuyến đi săn kéo dài từ 7-10 ngày, chúng tôi bẫy có khi được một hoặc 2-3 con heo, rồi là khỉ, trăn, mèo, chồn hương, bò, mang hoặc nai” - người thợ săn ở tuổi 50 kể.

“Mỗi cân thịt rừng thương lái trả cho chúng tôi từ 110.000 đến 150.000 đồng – ông kể - Nhờ đó mà tôi có thể nuôi gia đình năm người”.

Ông bắt đầu săn bắt thú rừng từ năm 2010 sau khi một chủ quán thịt rừng ở địa phương nhờ ông mua cho họ một con heo rừng nặng 50kg với giá 2,5 triệu đồng, một số tiền khá lớn với người nghèo như ông.

Ông kể trước đây ông làm nghề đốn củi nhưng không đủ nuôi sống gia đình. 10 bó củi nặng gần 60kg ông chỉ bán được 400.000 đồng.

Ông Hồ cho biết ông biết săn bắt thú rừng là phạm pháp vì “tôi bị kiểm lâm bắt giam một tuần và xử phạt ba triệu đồng vì tội bẫy chết một con sao la năm 2010”.

“Chúng tôi không có chọn lựa nào khác để mưu sinh,” ông thú nhận.

Ông than phiền do nhiều người săn bắt nên thú rừng cũng cạn kiệt. “Trước đây heo hoặc mang kéo đi từng đàn nhưng bây giờ chúng tôi hiếm khi thấy dấu chân chúng”.

Một người khác chuyên mổ thịt động vật hoang dã bán ở huyện Nam Đông cho biết ông làm nghề này từ năm 2009.

Ông cung cấp xương, da và thịt của nai, khỉ, heo, mang, mèo, chồn, bò, hổ cho các thương lái và quán nhậu ở Huế.

Các hiệu thuốc bắc mua xương hổ và khỉ để họ nấu cao làm thuốc. “Xương hổ một cân có giá 9-10 triệu đồng, xương khỉ có giá 600.000 – 800.000 đồng/kg, một bộ da hổ chừng 60 triệu đồng, da khỉ 100.000 đồng” - ông cho biết.

Ông mua thú rừng từ những thợ săn ở Bình Điền, A Lưới, Nam Đông, Cam Lộ. Cứ ba ngày ông bán ra thị trường từ 40-300kg thịt.

“Mỗi tháng tôi kiếm được từ 8-10 triệu đồng” – ông tiết lộ. Ông nói ông từng làm nghề đốt than nhưng không đủ sống.

“Do nhu cầu của người tiêu dùng nhiều, nếu tôi không làm thì người khác cũng làm” - cha của bốn đứa con nói.

Theo người dân địa phương, có tám lò giết mổ động vật hoang dã làm chui tại hai huyện Nam Đông và A Lưới.

Ông Ðỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, nói trên báo Nhân Dân hôm 29-7 rằng do nhu cầu sử dụng động vật, thực vật hoang dã để làm thuốc, thực phẩm và làm cảnh ở Việt Nam có từ lâu đời, nên việc săn bắn, buôn bán trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, làm cho nhiều quần thể động vật hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng, như hổ chỉ còn dưới 50 cá thể, voi dưới 100 cá thể.

Theo chuyên gia này, một nguyên nhân nữa là lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm chế độ quản lý động vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn.

Trung bình trên toàn quốc mỗi nhân viên kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý hơn một nghìn ha rừng, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa thì khó có thể bảo đảm việc bảo vệ rừng tận gốc được.

Hôm 23-7, Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) xếp Việt Nam có thành tích kém nhất trong 23 quốc gia châu Á và châu Phi trong việc bảo vệ các loài tê giác, hổ và voi.

WWF cho biết chính các trại nuôi hổ và sở thích dùng sừng tê giác chữa bệnh của người Việt Nam là nguyên nhân chính đẩy nước này đứng hàng đầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây